Nỗi đau để lại của hôn nhân cận huyết
Lượt xem:
Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi! Con sợ quá mẹ ơi! Một đứa trẻ quờ quạng đôi tay như đang tìm kiếm một cái gì đó trong tâm trạng hết sức hốt hoảng.
Mẹ đây! Mẹ đây rồi! Mẹ xin lỗi, mẹ xin lỗi con… Người mẹ lên tiếng trong giọng nghẹn ngào đầy nước mắt.
Đã gần mười năm nay rồi, người mẹ biết bao lần xin lỗi con và người con cũng biết bao lần dò dẫm trong bóng đêm của cuộc đời tìm mẹ. Chỉ vì từ khi mới sinh ra đứa trẻ đã không bao giờ có cơ hội nhìn thấy khuôn mặt thân yêu của cha mẹ, không thể nhìn thấy thế giới xung quanh vì em đã bị mù cả hai mắt. Như vậy nỗi bất hạnh lớn nhất của cuộc đời đã giáng xuống đứa trẻ vô tội. “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Cảnh đời cơ cực này đã bao trùm lên biết bao gia đình mà sai lầm lớn là do cha mẹ. Đó là họ đã kết hôn cận huyết thống.
Hiện nay, kết hôn cận huyết tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại ở một số dân tộc trong vùng DTTS, phổ biến là kết hôn giữa con cô với con cậu, con dì với con chú bác. Hôn nhân cận huyết thống xảy ra chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Trong đó có đồng bào Ê Đê của ta, tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống khá cao, lên đến 10%, tức là cứ 100 trường hợp kết hôn thì có 10 trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
Hôn nhân cận huyết xảy ra ở Tây Nguyên, Tỉnh Kon Tum: Năm 2012, qua khảo sát tại 6 xã thuộc 3 huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi và Kon Plông của Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Kon Tum đã phát hiện 56 cặp hôn nhân cận huyết thống/tổng số 350 cặp tảo hôn.
Lấy chồng từ thuở mười ba,
Đến năm mười tám, thiếp đà năm con.
Ra đường trông vẫn còn son,
Về nhà thiếp đảm năm con cùng chàng…
Tình cảnh của cô bé lấy chồng “tí hon” trong bài ca dao cũng thật dở khóc, dở cười. Ngoài hôn nhân cận huyết thống thì hiện nay, kết hôn trẻ em vẫn là một vấn đề nan giải đối với Việt Nam. “Tảo hôn” là việc kết hôn trước tuổi được phép kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam. Luật Hôn nhân và gia đình qui định: Tuổi được phép kết hôn đối với nam phải đủ 20 tuổi, đối với nữ phải đủ 18 tuổi trở lên. Như vậy, việc kết hôn trước tuổi theo pháp luật qui định- gọi là “tảo hôn” bị pháp luật cấm. Nếu kết hôn trong trường hợp mà cả hai bên hoặc một trong hai bên chưa đủ tuổi kết hôn thì cả hai bên đều vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam
Tảo hôn và HNCHT sẽ gây ra nhiều hậu quả lâu dài và rất nghiêm trọng cho cả gia đình, nòi giống dòng họ và cả xã hội, là trở lực ngăn cản xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Để đấu tranh, bài trừ tập tục lạc hậu này, trước tiên cần phải nhận thức rõ những tác hại do tảo hôn và HNCHT đem lại.
Một là: Tảo hôn và HNCHT sẽ sinh ra những đứa con còi cọc, khả năng chống các bệnh tật rất kém cho nên dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh hiểm nghèo, rất khó chữa. Như vậy, gia đình phải chăm lo sức khỏe cho con nhiều hơn, tốn kém nhiều tiền của hơn và sẽ rất khó thoát khỏi đói nghèo, dòng dõi gia đình sẽ bị thoái hóa, các thế hệ sau ngày càng nhỏ đi, dòng dõi càng ngày càng bị suy thoái.
Hai là: Tảo hôn và HNCHT sẽ sinh ra những đứa con kém phát triển trí tuệ, khả năng học tập kém, không có khả năng tiếp thu các tiến bộ khoa học, công nghệ mới, sẽ không thể phát triển được sản xuất và không thể thoát được đói nghèo.
Ba là: Tảo hôn thì vợ, chồng của người tảo hôn sẽ không có điều kiện học tập, rèn luyện, phấn đấu để trưởng thành, mặt khác chưa phát triển đầy đủ về cả sinh lý và tâm lý, chưa đủ khả năng để chăm sóc con phát triển một cách bình thường, khỏe mạnh, toàn diện, do đó những đứa con đó lớn lên sẽ rất khókhăn về nhiều mặt như sức khỏe, học hành, tìm việc làm…
Bốn là: Xã hội sẽ phải chăm lo nhiều hơn về mặt y tế, điều kiện học hành đặc biệt là trong thời đại CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế… đòi hỏi mỗi con người phải có trí tuệ phát triển, có thể hình to cao, có sức khỏe tốt… những đứa con của những người tảo hôn hoặc HNCHT sẽ không đáp ứng được yêu cầu xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Năm là: Xây dựng một xã hội văn minh, đòi hỏi mỗi người phải thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, trong đó có pháp luật về hôn nhân và gia đình, để xây dựng chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Vì vậy, tảo hôn và HNCHT là vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Sáu là: Tảo hôn và HNCHT là vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam, là trái với đường lối của Đảng về “Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”…
Tóm lại: Tảo hôn và HNCHT gây ra nhiều hậu quả lâu dài và rất nghiêm trọng: Làm suy thoái giống nòi của gia đình, dòng họ, rất khó khăn thoát khỏi đói, nghèo, vi phạm thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam, vi phạm pháp luật và trái với đường lối của Đảng.
Trên địa bàn xã CưDliêMnông cũng có hiện tượng tảo hôn. Các chị học sinh lớp 8, lớp 9 đã bỏ học lấy chồng và sinh con. Hiện tại chính quyền xã đã xác nhận có 1 trường hợp tảo hôn nhưng trên thực tế thì có nhiều hơn thế. Việc học sinh nghỉ học sớm dẫn đến tảo hôn gây nhức nhối, phiền hà cho các thầy cô rất nhiều. Các thầy các cô ngoài việc dạy ra còn phải lặn lội vào các buôn để vận động học sinh ra lớp, tốn rất nhiều công sức, thời gian. Đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương nhưng hiệu quả chưa cao.
Nguyên nhân của việc gia tăng tình trạng tảo hôn ở rất nhiều nơi trong cả nước như kể trên xuất phát từ khá nhiều lý do khác nhau. Trước hết, đó là do xuất phát từ cách suy nghĩ, thói quen của đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Đối với họ, việc bỏ tiền ra cưới vợ cho con cái cũng đồng nghĩa với việc trong nhà sẽ có thêm người làm nương, làm rẫy, có thêm người cáng đáng việc gia đình. Do đó, việc cưới con dâu về nhà được diễn ra càng sớm lại càng tốt.
Mặt khác, do phong tục còn nhiều lạc hậu, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số lại chưa cao, điều này đồng nghĩa với sự hiểu biết về pháp luật cũng như biết về hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đang còn rất nhiều hạn chế. Cái đói, cái nghèo cứ đeo đuổi mãi nên các gia đình cũng hầu như không quan tâm nhiều đến con trẻ, người lớn mải lo kiếm cái ăn nên lũ trẻ bị bỏ mặc, chúng cứ tự do lớn lên và phải tự đấu tranh để sinh tồn.
Thêm vào đó, để xảy ra hôn nhân cận huyết không chỉ là phong tục lạc hậu mà còn do môi trường sống: Người dân ở những nơi hẻo lánh, biệt lập; hoặc do quan hệ trong đời sống: Anh em họ hàng gần gũi nhau trong công việc, sinh hoạt làm nảy sinh tình cảm và do xuất phát từ một tổ tiên chung nên thường có tình trạng kết hôn gần. Việc này cũng do trình độ, sự hiểu biết của người dân còn thấp…
Ngoài ra, đối với một số khu vực có tình hình kinh tế, xã hội khá hơn, nhiều bậc phụ huynh dù không muốn con mình đang ở độ tuổi còn non nớt mà đã sớm phải lo chuyện gia đình, nhưng vì con đã lỡ mang thai nên không còn cách nào khác là buộc phải tổ chức đám cưới.
Chỉ có thể bằng con đường giáo dục để mở ra các cửa sổ cơ hội cho các em về nhiều mặt như: Sức khỏe, việc làm, cuộc sống, kinh tế… tạo lập được nền tảng bền vững cho cuộc đời mỗi cá nhân cũng như sự phát triển của cả xã hội. Tuy nhiên, một khi cánh cửa này đã khép lại thì các cửa sổ cơ hội khác cũng sẽ bị thu hẹp hơn, đồng nghĩa với việc các em sẽ tất yếu bị đẩy đến một tương lai mờ mịt hơn.
Để giải quyết được tình trạng này, theo các chuyên gia về lĩnh vực hôn nhân, gia đình và xã hội đánh giá, trước hết cần phải khắc phục được các tình trạng như: Đói nghèo, lạc hậu, bất bình đẳng giới, bất bình đẳng xã hội, phân biệt đối xử giữa các vùng miền và giai cấp; đồng thời, phải làm sao để nâng cao được dân trí cho toàn xã hội.
Do đó, các địa phương cần tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng như làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, dần dần thay đổi được hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên, cộng tác viên dân số ở cơ sở… Đồng thời, xây dựng một chế tài đủ mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng, bởi trên thực tế, vì nhiều lý do, chính quyền ở cơ sở vẫn còn phớt lờ hoặc dễ dãi với người vi phạm nên đã tạo ra tâm lý xem nhẹ pháp luật trong một bộ phận người dân…
Tảo hôn và hôn HNCHT là hủ tục lạc hậu, là một trong những tệ nạn xã hội, đang ngăn cản việc thực hiện chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, là trở lực thực hiện đường lối của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đấu tranh bài trừ tệ nạn tảo hôn và HNCHT là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn Đảng, toàn dân ta.
Nhiệm vụ của mỗi học sinh chúng ta là phải đi đầu, gương mẫu thực hiện đúng chính sách, Pháp luật của nhà nước. Không được kết hôn khi chưa đủ tuổi. Không được kết hôn với anh em trong dòng họ. Mỗi chúng ta cũng là những cộng tác viên, tuyên truyền viên nhỏ tuổi, cùng với tất cả mọi người để tuyên truyền , vận động bạn bè, người thân của mình từ bỏ hủ tục lạc hậu là tảo hôn và HNCHT.